Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên gần 40 km. Nơi đây có hầm xuyên lòng núi, cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường làm việc và nghỉ ngơi trong chiến dịch đánh dấu bước ngoặt của lịch sử Việt Nam.
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Khu chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng trên đất Mường Phăng trong vòng 105 ngày từ 31/1/1954 đến 15/5/1954. Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn, cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Từ căn hầm xuyên núi, thông từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến lán của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, cho tới các điểm khác như nơi làm việc của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, lán làm việc của Trưởng ban thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy… tất cả như vẫn còn như nguyên vẹn dấu ấn của tinh thần Điện Biên Phủ.
Cạnh nơi làm việc và nghỉ ngơi của Đại tướng là hầm trú ẩn được đào xuyên qua lòng núi. Những lúc quân Pháp ném bom dữ dội, Đại tướng làm việc và nghỉ ngơi trong hầm trú ẩn này.
Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bàn làm việc, cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp các chỉ huy, chiến sĩ.
Từ Sở chỉ huy này, đi lên cao hơn, đứng trên điểm cao nhất, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1... Dù đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, nhưng tới khu di tích lịch sử này, mọi người dường như vẫn sẽ cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương trong 105 ngày đêm của chiến dịch.
Theo ghi chép lịch sử, tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954. Quân ta đã bắt sống và tiêu diệt 16.200 tên địch của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cửa sau lán ở và làm việc của Đại tướng nối tiếp với cửa vào đường hầm xuyên núi.
Bên trong đường hầm xuyên núi bên cạnh lán ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây còn là nơi trú ẩn dự phòng tình huống khẩn cấp.
Từ lán Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông sang lán Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và lán cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh là một đường hầm dài 69m. Đường hầm cao 1,70m, rộng từ 1 đến 3m, giữa đường hầm có một phòng họp diện tích 18m2 và 5 vị trí đặt máy thông tin liên lạc: 1 máy nối Sở Chỉ huy chiến dịch với Bộ Chính trị Trung ương Đảng; 4 máy liên lạc trực tiếp với các đại đoàn đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ.
Đây là công trình lớn nhất ở Sở chỉ huy do Trung đội Công binh của đồng chí Đỗ Hải thực hiện và hoàn thành trong 28 ngày đêm liên tục. Đường hầm được đưa vào sử dụng từ ngày 15/4/1954 (giữa đợt tấn công thứ 2 ở Điện Biên Phủ).
Nhà tác chiến, nơi giao ban hàng ngày của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiếc bàn lớn làm bằng tre nứa trong Nhà tác chiến là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp giao ban với Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hội trường - nơi diễn ra các Hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập.
Nơi làm việc của Ban thông tin chiến dịch Điện Biên Phủ
Nơi làm việc của Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy
Hầm Tổng đài điện thoại
Hầm Tổng đài điện thoại giúp cho Bộ Chỉ huy chiến dịch liên lạc với các đơn vị bộ binh, công binh, pháo binh, cao xạ ở phía trước và các đơn vị kho, trạm của Tổng cục cung cấp, hệ thống quân y, dân công hỏa tuyến ở phía sau mặt trận; 1 trạm thu phát vô tuyến điện, sử dụng máy thu phát quay tay thu được của địch từ những chiến dịch trước. Đây là mạng thông tin liên lạc trực tiếp giữa Bộ Chỉ huy chiến dịch với Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bác Hồ, các chiến trường phối hợp trong nước và quốc tế.
Bên cạnh giá trị lịch sử, đến với Mường Phăng, du khách còn được tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trong vùng.
Nguyễn Hoan