Thành Bản Phủ và Đền thờ Hoàng Công nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ gần 10 km về phía Nam, thuộc địa phận Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Thành Bản Phủ và Đền thờ Hoàng Công Chất nhìn từ trên cao
Thành Bản Phủ được nghĩa quân Hoàng Công Chất và nhân dân các dân tộc xây dựng từ năm 1758 đến năm 1762. Thành nằm trong cánh đồng Mường Thanh trù phú là vựa thóc lớn của vùng Tây Bắc. Đây là công trình kiến trúc quân sự đắp bằng đất, các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc có cổng ra vào, có chòi canh gác. Theo nhân gian truyền lại rằng Thành được xây dựng khá kiên cố, rộng khoảng 80 mẫu, tường thành cao bao quanh chạy dài hàng trăm mét, có bề mặt và chân rộng, chia làm 2 khu nội thành và ngoại thành.
Nội thành là nơi thủ lĩnh Hoàng Công Chất và các tướng lĩnh ở. Được xây dựng theo kiểu chữ nhật có diện tích khoảng 27.000m2, bao quanh có hào sâu và được trồng tre gai ngoài chân thành. Ngoại thành là nơi lính đóng quân, khu quân lương, kho vũ khí, tàu ngựa, chuồng voi...
Để tưởng nhớ công lao to lớn của vị tướng Hoàng Công Chất, nhân dân các dân tộc Điện Biên đã xây dựng đền thờ ông cùng các tướng lĩnh. Đền được xây dựng tại trung tâm khu nội thành theo kiểu kiến trúc đền thời Nguyễn.
Đền thờ Hoàng Công Chất
Ngay nay, di tích Thành Bản Phủ và Đền thờ Hoàng Công Chất đã trở thành điểm văn hoá tâm linh, linh thiêng đối với đồng bào tỉnh Điện Biên và du khách trong và ngoài nước. Hàng năm, Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức từ ngày 24-25 tháng 2 âm lịch hàng năm với các nghi lễ, các hoạt động văn hoá, các trò chơi dân gian, cùng với các hoạt động khác mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Bắc.