Di tích đồi A1
Đồi A1 nằm ở phía Đông, cách Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 500m, đồi cao 32m so với mặt đường, với tổng diện tích khoảng 100.000m2. Cứ điểm A1 là cứ điểm quan trọng nhất trong 5 ngọn đồi thuộc dãy cao điểm phía Đông, là tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp xây dựng cứ điểm A1 thành một hệ thống phòng thủ vô cùng kiên cố, vững chắc, với hệ thống binh lực, hỏa lực mạnh.
 
 
Di tích đồi A1 ngày nay

Đồi A1 từng có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời: Thời kỳ xung đột giữa các chúa đất (thế kỷ XI) ngọn đồi này có tên là đồi Lạng Chượng. Những năm 1890 và năm 1945 Thực dân Pháp chiếm đóng Điện Biên Phủ, họ đều chọn ngọn đồi này để xây dựng khu đồn trú, nên nó từng có tên gọi khác là đồi Đồn Tây. Năm 1953, một lần nữa Thực dân Pháp lại chiếm đóng Điện Biên Phủ, họ đã đặt tên ngọn đồi này là Eliane 2 – tên một người đẹp nước Pháp với mục đích động viên binh lính Pháp phải bảo vệ cứ điểm này như bảo vệ người đẹp của mình. Còn tên Đồi A1 là kí hiệu trên bản đồ quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
 
Di tích đồi A1 nhìn từ trên cao

Diễn biến chiến sự trên cứ điểm Đồi A1 diễn ra 39 ngày đêm, ta đã tổ chức 4 đợt tấn công, 1 đợt phòng ngự, diễn ra từ ngày 30/3 đến 7/5/1954. Tại đây, đã diễn ra trận đánh gay go, ác liệt nhất trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng quân Pháp, 2.516 cán bộ chiến sỹ của ta anh dũng hy sinh. 4 giờ 30 phút sáng 7/5/1954, Cứ điểm A1 bị tiêu diệt hoàn toàn, thắng lợi này là bàn đạp để quân ta vượt cầu Mường Thanh, đánh chiếm Sở chỉ huy và bắt sống tướng De castries chiều 7/5/1954.
 
 
Hệ thống đường hào tiếp viện của quân Pháp từ Trung tâm Mường Thanh lên cứ điểm A1

Ngày nay, Di tích Đồi A1 đã khoác trên mình màu xanh áo mới, màu của sự sống, hòa bình, nơi này đã trở thành điểm tham quan du lịch, nới giáo dục truyền thống lịch sử đầy ý nghĩa, cùng những trải nghiệm hấp dẫn. Di tích lịch sử Đồi A1 trở thành niềm tự hào bất diệt, cùng với những điểm di tích khác thuộc Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ là điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa.

Di tích khác

Nghĩa trang Tông Khao

Nghĩa trang Tông Khao

Nghĩa trang Tông Khao nằm ở địa bàn bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.Nghĩa trang Tông Khao được quy tập từ nghĩa trang Hòa Bình, Bản Kéo và nghĩa trang quân tình nguyện Việt Nam ở tỉnh U Đôm Xay quy tụ về từ năm 1982. Hiện nay, nghĩa trang không ngừng được mở rộng.