Di tích đồi D1 – Tượng đài chiến thắng
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cứ điểm D1 là một cứ điểm quan trọng trong dãy đồi phòng ngự phía Đông của Thực dân Pháp có nhiệm vụ che chở cho trung tâm Tập đoàn cứ điểm, là mục tiêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong đợt tấn công thứ hai bắt đầu vào chiều ngày 30/3/1954. Sau 2 ngày chiến đấu với những đợt xung phong và phản kích của cả ta và Pháp, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 đã hoàn toàn làm chủ được cứ điểm này, sau đó giữ vững trận địa và yểm trợ cùng các đơn vị khác tiêu diệt các cứ điểm còn lại, góp phần làm nên chiến thắng chung của toàn chiến dịch.
 
 
Di tích đồi A1 ngày nay

Điểm khởi đầu lên Tượng đài Chiến thắng là sân hành lễ, với không gian khá rộng có thể tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội. Tại đây có bức phù điêu đại cảnh lớn nhất Đông Nam Á với chiều cao trung bình 7,5m, chiều ngang 58m được ghép từ 217 tấm đá xanh Thanh Hóa, nặng gần 400 tấn. Bức phù điêu đại cảnh miêu tả lại toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ từ thời điểm Bộ Chính trị chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông - Xuân 1953 - 1954 cho đến khi ta bắt sống De Castries và tham mưu của Tập đoàn cứ điểm vào chiều ngày 7/5/1954 và lễ ăn mừng chiến thắng của quân, dân và đồng bào địa phương vào ngày 13/5/1954 tại Mường Phăng.
 
 
Sân hành lễ

Con đường chính dẫn lên Tượng đài là trục hành lễ gồm 320 bậc, và được chia làm 3 chiếu nghỉ lớn, tương đương với 3 đợt tấn công của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hai bên trục hành lễ là 56 cột mốc được làm bằng đá xanh Thanh Hóa tượng trưng cho 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của bộ đội ta. Hai bên sườn đồi dọc trục hành lễ được trồng cây hoa Ban và một số cây khác tạo cảnh quan thiên nhiên và môi trường cho đồi di tích này.
 
 
Bậc thang lên tượng đài Chiến thắng

Trên mảnh đất Điện Biên lịch sử hôm nay một số tượng đài được dựng lên nhằm tái hiện một cách đầy đủ, chân thực và sống động nhất trận đánh vĩ đại của quân và dân ta cách đây gần 6 thập kỷ, trong đó Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ là tượng đài đầu tiên và bằng đồng duy nhất nằm trong dự án các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cứ điểm đồi D1 được chọn là địa điểm đặt Tượng đài chiến thắng và là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn và tâm linh sâu sắc, tôn đúng tầm ý nghĩa to lớn về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Cụm tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ là nhóm tượng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam từ trước đến nay và trong thời gian tới sẽ đề nghị đưa vào kỷ lục Việt Nam. Tượng có chiều cao 12,6m được đúc bằng 217 tấn đồng, dựng trên bệ cao 3,6m và gồm 12 thớt, trong đó có những thớt nặng 40 tấn. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, đã được chỉnh sửa so với nguyên mẫu để phù hợp với một không gian lớn ngoài trời để đặt tượng đài.
 
 
Cụm tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ

Tượng có ba anh bộ đội, một em bé Thái trong đó anh bộ đội phất cao lá cờ tượng trưng cho các đại đoàn tham gia chiến dịch năm xưa, khi sáng tác, tác giả liên tưởng đến anh bộ đội phất cờ trên nóc hầm De Castries, một anh bộ đội bế em bé Thái trên tay cầm một bó hoa tượng trưng cho những văn nghệ sỹ quân đội đã và đang góp sức mình ca ngợi chiến thắng, để chiến thắng mãi mãi đi vào sử sách. Em bé dân tộc Thái tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ của các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc đẹp giàu. Anh bộ đội thứ ba trong nhóm tượng thể hiện tinh thần luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Việt Nam. Ngoài ra xung quanh tượng đài là tuyến cảnh quan bao gồm hệ thống 5 đường dạo xung quanh đồi D1 và 5 điểm vọng cảnh vừa tạo cảnh quan về thiên nhiên vừa mang tính thẩm mỹ, làm nên sự hoàn chỉnh của toàn bộ công trình Tượng đài chiến thắng.
 
 
Cụm tượng đài chiến thắng trên đồi D1

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng Tượng đài chiến thắng vẫn sừng sững giữa đất trời Điện Biên lịch sử và cùng với các di tích khác của chiến trường năm xưa như: Đồi A1, cầu Mường Thanh, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Phăng.... đã trở thành địa danh trường tồn cùng đất nước. Những di tích lịch sử cách mạng này mãi mãi là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển bền vững của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.
 
 
Di tích đồi D1 và cụm tượng đài chiến thắng nhìn từ trên cao

Hòa bình là ước nguyện lớn nhất của nhân dân khắp thế giới, hạnh phúc, tự do sẽ đầy lùi mất mát, đau thương không đáng có. Điện Biên Phủ hôm nay luôn mở cửa chào đón khách du lịch quốc tế, đặc biệt là những cựu chiến binh Pháp, Mỹ, khẳng định sự thân thiện, tinh thần hợp tác cùng phát triển; là cơ hội cho thấy Việt Nam sẵn sàng xóa bỏ mọi thù hận, hướng tới tương lai./.

Theo: Hồng Nhung – Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Di tích khác

Di tích đồi A1

Di tích đồi A1

Đồi A1 nằm ở phía Đông, cách Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 500m, đồi cao 32m so với mặt đường, với tổng diện tích khoảng 100.000m2. Cứ điểm A1 là cứ điểm quan trọng nhất trong 5 ngọn đồi thuộc dãy cao điểm phía Đông, là tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp xây dựng cứ điểm A1 thành một hệ thống phòng thủ vô cùng kiên cố, vững chắc, với hệ thống binh lực, hỏa lực mạnh.